“Học ăn học nói, học gói học mở” (Phần 1)

CÂU CHUYỆN ĂN NÓI

ca-dao-tuc-ngu-hay-ve-giao-tiep-loi-noi.png

(Nguồn: Vforum.vn)

Dường như câu tục ngữ Việt Nam này đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta từ thời đi học. Mình là đứa học trường công lập trong suốt những năm học phổ thông và luôn là học trò cưng của các thầy cô dạy Tiếng Việt/Văn học (lại may mắn có họ hàng từng là lãnh đạo cốt cán trong Hội nhà văn Việt Nam thời xưa), nên mình có một tình yêu đặc biệt với những giáo huấn từ xa xưa của cha ông – điều mình xem và trân trọng như “quốc hồn quốc túy” của dân tộc. Đến bây giờ mình vẫn thường dùng ca dao, tục ngữ kể cả trong văn nói hằng này.

Mình không biết có phải do mình là người hoài cổ hay quá khó tính không (mình còn vài tháng nữa mới chạm đến ngưỡng 30!), nhưng những ngày này mình gặp phải những điều mắt thấy tai nghe khiến mình cảm thấy chạnh lòng. Chạnh lòng, và có chút phẫn nộ (mình rất tiếc khi phải thừa nhận điều này)… cho một xã hội hình như đã chạy theo những giá trị số, hay hiện đại hóa quá nhanh đã khiến nhiều người bỏ quên đi những giá trị hay ho, đẹp đẽ trong những điều nhỏ nhặt nhất như lời ăn tiếng nói, cách cư xử giữa người và người.

Người Việt mình có cách gọi “ông, bà, bác, cô, chú, dì, anh, chị, em, con, cháu…” tưởng chừng như khách sáo, rườm rà nhưng mình lại cực kỳ thích.

Mình không ý thức được cách gọi này quan trọng đến mức nào, cho đến khi người mình yêu là một người nước ngoài. Anh là người đàn ông duy nhất mình từng yêu không phải là người Việt dù mình có thời gian học tập và công tác ở nước ngoài khá dài, chiếm gần nửa cuộc đời ngắn ngủi của mình. Lúc bọn mình còn yêu nhau, mình đã ước gì mỗi khi tranh luận, mình có thể thay hết những “I” thành “em” và “you”, thành “anh à”, “anh ơi”. Hay khi anh nói gì thì thay vì trả lời, “Yes, babe!”, mình đã có thể nói “Vâng, anh yêu”, thì chắc bọn mình đã có thể thấy những cuộc cãi vã thật ngớ ngẩn, và nhất là sẽ thấy nhau đáng yêu quá đỗi mà lại ôm nhau làm lành. Chính cái “I, you, me” đã góp phần… chia rẽ bọn mình sâu sắc hơn. Tất cả là do mình chưa bao giờ gọi anh như cái cách mình muốn, là “Anh ơi”! Chính vì cách gọi “Tây” oái oăm ấy, mình đã vô hình đặt bản thân ngang hàng với anh, dù mình thua anh nhiều tuổi và những điều mình trải qua chưa là gì so với anh, mà lại thích tranh luận, cãi cố.Mình đôi lúc ghét tiếng Anh là vì vậy. Do đó, mình luôn nói rằng,

“I love in Vietnamese” – “Em yêu bằng tiếng Việt”.

Thật dễ dàng để lễ phép với người lớn tuổi hơn mình. Mình có quan niệm, dù lớn hơn một tuổi cũng là lớn hơn, do đó trong ăn nói cần phải có phép tắc. Khoan hẵng nói đến việc người đối diện học vấn, vị trí, tài năng phẩm chất ra sao… Đã lớn hơn tuổi, khi giao tiếp mình vẫn thường một tiếng dạ, một tiếng thưa. Mình từng có những người đồng nghiệp cấp dưới lớn tuổi hơn mình, nhưng mình vẫn gọi anh chị, vẫn “ạ”, và vẫn dạ thưa. Có những cách tinh tế hơn để làm cho công việc chạy với tư cách là một người quản lý, một người mình xin tạm gọi là “được giáo dục kỹ lưỡng hơn”, nhưng vẫn giữ gìn phép tắc lễ nghĩa cha mẹ, thầy cô vẫn dạy. “Trên dưới” trong công việc hay thể hiện trong sự cứng rắn của giọng nói, sự khôn khéo và chuyên nghiệp khi lựa chọn từ ngữ, và nhất là cách thể hiện trong công việc của bạn. Chứ không phải là nói thật to, thật đao búa hoặc “hỗn hào”.

Mình đặc biệt lấy làm phiền lòng khi ngay chính trong gia đình, họ hàng mình, có những người là em nhưng hỗn hào với anh chị, là chồng nhưng nhiếc móc, hoạnh họe, chửi thề với vợ con, là vợ nhưng nói chuyện nghe rất coi thường người chồng và con cái thì nói tiếng đệm, nói những câu chửi thề (gọi là cho vui, thoải mái) với cha mẹ. Những lúc ấy, thực sự trong đầu mình chỉ hiện lên hai chữ “loạn ngôn”.

Trở lại những điều tích cực hơn:

  • Thật dễ dàng để khiêm nhường, tôn trọng khi giao tiếp với những bạn nhỏ tuổi hơn, bao gồm cả những bạn thiếu nhi. Mình nghĩ đơn giản như thế này, mình muốn được nói chuyện như thế nào, thì nên nói chuyện với người đối diện như thế ấy. Mình học được nhiều điều từ các bạn trẻ hơn mình mỗi ngày, từ các bạn còn đi mẫu giáo. Mình yêu trẻ con, nên cực kỳ thích trò chuyện với các bạn ấy. Các bạn nhỏ nhìn cuộc đời bằng con mắt trong sáng, tinh anh và công bằng hơn người lớn rất nhiều. Mỗi cuộc trò chuyện với các bạn, là mình lại học được bao nhiêu điều hay ho. Như con gái 5 tuổi của một người chị của mình luôn hỏi xin mẹ điều gì đó bằng “Mẹ Trân ơi, mẹ Trân/con có thể…”, mình thấy bạn ấy văn minh lịch sự hơn phần đông người lớn, trong đó đôi lúc có mình. Mình là người khá nóng tính, bình thường khá là từ tốn, vui vẻ, hay cười nhưng khi nào bị những người tạm gọi là vô văn hóa (bất lịch sự, hỗn hào)… chọc giận là mình cũng hay mất bình tĩnh và quên đi nguyên tắc một câu nói nên có đủ chủ, vị mà mình bấy lâu nay theo đuổi. Bản thân mình cũng cần phải cố gắng hơn.
  • Cách ăn nói theo mình nghĩ phần lớn chúng ta ảnh hưởng từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, nơi ta công tác, bạn bè ta giao du, thân thiết. Chẳng phải ông bà ta vẫn nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay sao? Có những trường hợp gia đình, nhà trường, xã hội v.v đều cố gắng giáo dục, ảnh hưởng một cách tích cực, nhưng bản thân ta lại là một người ăn nói vô ăn hóa, thiếu tôn trọng người đối diện (mà mình nghĩ, những người như vậy chắc cũng chẳng tôn trọng bản thân chính họ), tiêu cực, phiến diện… mà không nhận ra, đó chính là bi kịch. Một tấn bi kịch mà chính ta mới có thể tự gỡ bỏ. Bằng cách nào ư? Tự soi xét bản thân, đọc nhiều sách hay, xem nhiều, nghe nhiều lời hay ý đẹp, những lời răn dạy và chú tâm thực hành mỗi ngày.

*Trên đây là những suy nghĩ ngắn gọn của mình về “ăn nói”, dĩ nhiên mình không… thèm nói đến những người chuyên nói những lời hay ý đẹp, mà lại luôn bày mưu tính kế hãm hại người khác, tâm hồn độc địa.

… Vì đơn giản, mình là người có một tỉ tính xấu, nhưng nhất nhất mình không phải là người như vậy.